Bức tranh tài chính thay đổi lớn
Báo cáo lưu ý, trong khi cuộc CMCN 4.0 đang tăng tốc, đòi hỏi xây dựng một chiến lược mới trong việc huy động. Nhưng bức tranh tài chính cho phát triển ở Việt Nam đang có những thay đổi lớn. Mặc dù tổng nguồn lực tài chính cho phát triển ở Việt Nam (nguồn đầu tư công và tư; nguồn quốc tế FDI, ODA; vốn vay trong nước) đã gia tăng về số lượng nhưng vẫn luôn thiếu hụt so với nhu cầu. Trong các nguồn vốn này, dường như chỉ có nguồn kiều hối là ổn định (nhưng theo các nghiên cứu trong nước, phần lớn vốn này vẫn nằm trong dân cư, chưa được đưa ra để đầu tư). Các dòng vốn khác đều có những thay đổi đáng kể.
Thay đổi nhìn thấy rõ nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giảm nhiều. Nguồn thu của Chính phủ không ổn định, và không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng và phần dành cho đầu tư phát triển luôn bị hạn chế. Trong khi các dòng FDI vào Việt Nam không còn tăng mạnh như giai đoạn trước và chất lượng chưa cao. Đầu tư của khu vực tư nhân trong nước cũng tụt hậu so với mức bình quân của các nước ASEAN.
Tỷ trọng nguồn tài chính cho phát triển so với GDP ở Việt Nam |
Một phần nguồn vốn cho phát triển quan trọng khác với Việt Nam là ODA, tuy nhiên các khoản vay ngày càng ít ưu đãi và mức ưu đãi cũng giảm theo, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc và cũng là đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết.
Mặc dù các khoản ODA không hoàn lại chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 1% trong tổng nguồn ODA, nhưng là một nguồn tài chính quan trọng cho Việt Nam qua các hoạt động trợ giúp kỹ thuật, tăng cường năng lực và tư vấn chính sách cũng đang giảm mạnh. Trong khi tỷ trọng ODA/GDP giảm dần thì tỷ trọng các nguồn tài chính chính thức khác (OOF, các khoản vay ít ưu đãi hơn ODA) trên GDP của Việt Nam lại gia tăng đã vượt tỷ trọng ở các nước ASEAN khác.
Một điểm đáng chú ý nữa theo các chuyên gia của UNDP, Việt Nam tuy không phải là "quốc gia mắc nợ cao", nhưng nợ công đã tăng nhanh sát ngưỡng an toàn, trong đó nợ vay trong nước tăng vọt ẩn chứa nhiều rủi ro. Các khoản Chính phủ vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Quỹ tích lũy để trả nợ và vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã đến giới hạn. Các khoản nợ của các DNNN và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ cũng là một nguồn rủi ro đáng kể nữa đối với tính bền vững của các khoản nợ công.
Đầu tư tư nhân chưa xứng tầm
Với bức tranh tài chính có các gam màu pha trộn như vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mới nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế-xã hội trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo khuyên Việt Nam áp dụng nguyên tắc "toàn bộ chính phủ" và "toàn bộ xã hội" đã được nêu ra tại Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030. Đó là phải thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn ở các loại hình tài chính quan trọng khác; phải làm sao huy động được các nguồn lực có thể huy động được; phải phát huy tác động tổng hợp các khoản đầu tư từ tất cả các nguồn tài chính... Đặc biệt là huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.
"Đầu tư tư nhân trong nước chưa có được những gì đáng có. Việt Nam cần mở rộng đầu tư tư nhân trong nước bằng những nỗ lực cải cách mạnh hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho kinh tế tư nhân phát triển", ông Kamal Malhotra khuyến nghị và nhấn thêm rằng: Khu vực tư nhân của Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng cần được hỗ trợ thích đáng, cần có khung khổ pháp lý thúc đẩy sự đầu tư của khu vực này.
Đóng góp thêm ý kiến cho việc xây dựng tài chính phát triển của Việt Nam trong tương lai, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho rằng, điều hết sức cần thiết là phải nâng cao sự hiểu biết và tăng cường năng lực quản lý mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài chính cho phát triển để hạn chế các tác động tiêu cực cho vĩ mô, tối đa hóa tác động qua lại của các nguồn tài chính cho phát triển trong khi vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý nợ một cách bền vững và tăng trưởng kinh tế ổn định.
Bàn về mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài chính, TS. Hồ Đình Bảo - Trưởng nhóm biên soạn báo cáo cho rằng, nên đưa ra các sắc thuế mới, như thuế tài sản và thuế phát thải khí CO2/carbon…; mở rộng diện thu thuế như là một nguồn thu ngân sách thường xuyên hơn. Bên cạnh đó là cần quản lý nợ công một cách khôn ngoan và tăng nguồn thu ngân sách từ việc quản lý tốt hơn các tài sản nhà nước… Ông Nguyễn Tiên Phong - chuyên gia về tăng trưởng bao trùm và toàn diện của UNDP cũng bổ sung, cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh và tín nhiệm quốc gia để thu hút ngày một nhiều hơn dòng vốn FDI chất lượng; đồng thời phải chấm dứt tình trạng thu hút FDI bằng cuộc đua xuống đáy, từ bỏ việc sử dụng các biện pháp khuyến khích qua thuế và các đặc quyền khác.
Nhưng việc mở rộng các nguồn thu của Chính phủ chỉ có hiệu quả nếu các nguồn lực ngân sách và các khoản đầu tư công, chi tiêu công được sử dụng có hiệu quả, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình và tiếp tục tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương song song với các biện pháp, giải pháp bảo đảm bộ máỵ chính phủ có hiệu quả lớn hơn. Và đây phải là những hành động ưu tiên.
"Những khoản tiết kiệm có thể thu được thông qua cắt giảm chi tiêu thường xuyên cho việc chi trả tiền lương có thể mở ra cơ hội cho việc tăng chi tiêu của Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) và đầu tư vào nâng cao "Kỹ năng Thế kỷ 21" cần thiết để Việt Nam chớp lấy những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại", ông Haoliang Xu - Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp quốc và cũng là Giám đốc UNDP Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu.
Nhận xét
Đăng nhận xét